Lịch sử khái quát Hậu_cung_nhà_Nguyễn

Sơ kỳ

Nam Phương hoàng hậu

Nhà Nguyễn theo lệ cũ nhà Lê sơ, để khuyết vị Hoàng Hậu với nhiều lý do, trừ các bà Thừa Thiên, người vợ tào khang theo phò Thế Tổ từ thuở hàn vi và Nam Phương, Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Từ Thánh Tổ đến Hoằng Tông chỉ kén người hiền đức giữ ngôi Phi đứng đầu giúp việc nội trị. Riêng bà Lệ Thiên là trường hợp đặc biệt, với danh phận hoàng tẩu của tân quân Hiệp Hòa được tôn huy hiệu Khiêm Hoàng hậu (謙皇后) theo cố mệnh của tiên đế Dực Tông.

Nội các triều Nguyễn - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại, vào đầu thời "Quốc sơ", thứ bậc nội cung được quy định:

  • [Tam phi; 三妃]: Quý phi (貴妃), Minh phi (明妃), Kính phi (敬妃);
  • [Tam tu; 三修]: Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛);
  • [Cửu tần; 九嬪]: Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪), Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪), Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪);
  • [Tam chiêu; 三昭]: Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛)
  • [Tam sung; 三充]: Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛).
  • [Lục chức; 六職]: Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (傛華), Nghi nhân (宜人), Tài nhân (才人), Linh nhân (靈人), Lương nhân (良人);

Chữ "Quốc sơ" này hay có nhìn nhận là đầu thời Gia Long, song theo nhiều biểu hiện nó ám chỉ khoảng đầu thời Chúa Nguyễn[1]. Quả thật, thời Chúa Nguyễn khi truy tặng các phu nhân, cũng hay xuất hiện các tước hiệu trên, như "Chiêu nghi Liệt phu nhân", "Kính phi phu nhân",... Một điều chứng minh khác, là dưới triều Gia Long và Minh Mạng vẫn xuất hiện những danh vị hoàn toàn không thuộc quy định ở trên, như Mỹ nhân. Có lẽ việc thay đổi danh vị trong Nội đình thời Gia Long so với thời Chúa Nguyễn đã có diễn ra quy mô lớn, song không được ghi chính thức và tỉ mỉ lại như cuộc thay đổi toàn vẹn diễn ra cuối thời Minh Mạng.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ có chỉ dụ định lại thứ bậc ở nội cung: "Nay theo gương cổ nhân, đặt chín bậc phi tần ở nội cung, khiến cho chốn khuê môn trật tự phân minh, phong hóa tôn nghiêm, nối đến muôn đời. Trên hàng Nhất giai có đặt Hoàng quý phi để giúp Hoàng hậu vốn là ngôi 'Chủ quỹ trung cung' (主饋中宮), cai quản mẫu mực Lục viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính"[2].

Từ đó, các triều đều thiết lập hạng mức cung giai cố định, dưới Hoàng quý phi đặt ra các bậc:

  • Tần ngự có sách phong:
  1. Nhất giai Phi (一階妃).
  2. Nhị giai Phi (二階妃).
  3. Tam giai Tần (三階嬪).
  4. Tứ giai Tần (四階嬪).
  5. Ngũ giai Tần (五階嬪).
  6. Lục giai Tiệp dư (六階婕妤).
  7. Thất giai Quý nhân (七階貴人).
  8. Bát giai Mỹ nhân (八階美人).
  9. Cửu giai Tài nhân (九階才人).
  10. Tài nhân vị nhập giai (才人未入階).
  • Tần ngự không có sách phong:
  1. Cung nhân (宮人).
  2. Cung nga (宮娥).
  3. Thị nữ (侍女)[3].
  • Dưới cùng là các bậc Nữ quan cùng Cung nữ, có trách nhiệm quản lý phục dịch trong cung ở Lục thượng (六尚).

Bậc Tần trở lên, qua các triều sẽ định riêng các huy hiệu, trước sau sẽ phân cao thấp trong cùng một bậc. Ví dụ chính năm Minh Mạng thứ 17, Thánh Tổ đã chiếu định các huy hiệu như sau:

  • Nhất giai: Quý phi (貴妃), Hiền phi (賢妃), Thần phi (宸妃).
  • Nhị giai: Gia phi (嘉妃), Thục phi (淑妃), Huệ phi (惠妃).
  • Tam giai: Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪).
  • Tứ giai: Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪).
  • Ngũ giai: Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪).

Cùng lúc ấy, Thánh Tổ sách phong truy tặng bà nguyên phối là Chiêu nghi (昭儀) Hồ thị làm Thần phi, lấy tên thụy là Thuận Đức (順德), tấn phong Hiền tần Ngô thị làm Hiền phi, còn từ Trang tần trở xuống gồm 26 người.

Các danh hiệu không cố định mà thay đổi qua các triều vua hoặc trong cùng một triều. Ngay trong năm Minh Mạng thứ 17, bậc đầu Nhị giai vốn là Đức phi (德妃), nhưng ngay sau đó Thánh Tổ lại cho sửa thành Gia phi như ta thấy. Sau khi bàn định rõ 5 bậc đầu có thứ tự như vậy, thì vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ có chỉ dụ thay đổi trong bậc Ngũ giai như sau: "Nguyên trước định lệ cung giai rằng, Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc Ngũ giai, nay đổi làm An tần, Hòa tần, Lệ tần".

Mặc dù nội cung triều Nguyễn được phân làm chín bậc nhưng số lượng cung tần mỹ nữ thời bấy giờ không nhiều. Thánh Tổ có số lượng phi tần nhiều nhất với 43 phi tần sinh hạ 162 người con được chép trong Nguyễn Phúc tộc thế phả, nhưng dưới niên hiệu Minh Mạng, cung tần mỹ nữ chốn nội cung, kể cả Nữ quan và Thị nữ có lẽ không quá 200 người. Như năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Kinh kỳ lụt to, Thánh Tổ xuống dụ: "Từ xưa đến nay lụt mùa thu, chưa bao giờ như thế. Nước là tượng âm, hoặc giả âm khí u uất mà thành ra thế chăng? Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người, tất cả các ban chưa quá trăm người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi."

Hoàng tử nhà Nguyễn khi đến tuổi trưởng thành được ban tước Công, phải xuất phủ kén vợ gọi là nạp phi hay nạp thiếp. Nàng dâu được triều đình cưới hỏi gọi là Phủ thiếp (府妾), nàng hầu gọi là Đằng thiếp (藤妾) hay Dắng thiếp (媵妾).

Trung kỳ

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hiến Tổ ban dụ định lại thứ tự chín bậc ở nội cung: "Đức chính hóa của nhà đế vương bắt nguồn từ chốn khuê môn, nên kinh Dịch có quẻ Gia nhân, kinh Lễ có thiên Nội tắc, để nghiêm chỉnh nghi lễ chốn cung nghiêm, giúp việc chính sự nơi cung khuyết. Từ những năm Minh Mạng đã chuẩn định nội cung chín bậc, định lệ cấp lương bổng và màu sắc xiêm y theo thứ bậc để tỏ rõ khuôn phép nối đến muôn đời. Trẫm từ khi nối ngôi tới nay, mở mang thái bình, sửa sang trị hóa, khiến cho cương kỷ trong nước được rõ ràng. Nhân nghĩ đến đức chính hóa của nhà đế vương, tất từ tề gia mà ra đến trị quốc, trật tự trong cung cũng nên định khác."

  • Nhất giai: Quý phi (貴妃), Đoan phi (端妃), Lệnh phi (令妃).
  • Nhị giai: Thành phi (誠妃), Trinh phi (貞妃), Thục phi (淑妃).
  • Tam giai: Quý tần (貴嬪), Lương tần (良嬪), Đức tần (德嬪).
  • Tứ giai: Huy tần (徽嬪), Ý tần (懿嬪), Nhu tần (柔嬪).
  • Ngũ giai: Nhàn tần (嫻嬪), Nhã tần (雅嬪), Thuận tần (順嬪).
  • Dưới nữa không đổi, vẫn như sơ chế.

Lại xuống dụ tấn phong cung tần Phạm thị làm Thành phi, truy tặng Diễm nhân (艷人) Đinh thị làm Quý tần. Đến tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), theo từ chỉ của Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu: "Từ trước đến nay, các phi tần giữ nết hạnh đoan trang, lo toan việc nội trị, nên tấn phong theo thứ bậc để tỏ ân trạch", Hiến Tổ ban ân mệnh cho đổi Đoan phi ở nhất giai làm Lương phi, Lương tần ở tam giai làm Thụy tần (瑞嬪), tấn phong Thành phi Phạm thị làm Quý phi, Lương tần Vũ thị làm Lương phi, lại phong từ Lệnh phi, Thục phi, Thụy tần trở xuống. Chuẩn định lệ thứ bậc cao khi tấn phong được ban sách vàng, sách bạc theo lệ cũ, còn từ phi tần tam giai trở xuống thì đổi cấp sách bằng gấm vóc.

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 3 (1850), Dực Tông xuống dụ định rõ thứ bậc ở nội cung: "Đạo đế vương trước ở tề gia, nên thiên Chu quan thi hành phép tắc tất lấy ý của thơ Quan thư, Lân chỉ làm gốc, bởi lễ nghi nơi cung cấm là cái gốc của vương hóa. Thánh Tổ theo điển lễ đời xưa, chuẩn định thứ bậc nội cung, là phép hay muôn đời. Về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn, còn từ phi tần trở xuống, thì chia làm chín bậc với các danh xưng và mỹ từ."

  • Nhất giai: Thuận phi (順妃), Thiện phi (善妃), Nhã phi (雅妃).
  • Nhị giai: Cung phi (恭妃), Cần phi (勤妃), Chiêu phi (昭妃).
  • Tam giai: Khiêm tần (謙嬪), Thận tần (慎嬪), Nhân tần (仁嬪), Thái tần (泰嬪).
  • Tứ giai: Khoan tần (寬嬪), Giai tần (偕嬪), Tuệ tần (慧嬪), Giản tần (簡嬪).
  • Ngũ giai: Tĩnh tần (靜嬪), Cẩn tần (謹嬪), Tín tần (信嬪), Uyển tần (婉嬪).
  • Dưới nữa không đổi, vẫn như sơ chế.

Lại xuống dụ tấn phong cung tần Vũ thị làm Cần phi, Nguyễn Đình thị làm Chiêu phi, còn từ Thận tần trở xuống gồm 12 người. Đến tháng 1 năm Tự Đức thứ 13 (1860), theo từ huấn của Từ Dụ Hoàng thái hậu tôn phong các phi tần ở nội đình, tấn phong Cần phi Vũ thị làm Thuần phi (純妃), sau đổi làm Trung phi (忠妃), Chiêu phi Nguyễn Đình thị làm Thiện phi, Thận tần Lê thị làm Cung phi, còn từ Tĩnh tần trở xuống gồm 14 người. Lại ban dụ định lại thứ bậc ở nội đình, đổi Uyên tần (淵嬪) ở tam giai làm Đoan tần (端嬪), Tuệ tần ở tứ giai làm Kiệm tần (儉嬪), đến tháng 12 Tự Đức năm thứ 14 (1861), Cần phi ở nhị giai được đổi thành Đôn phi (惇妃), Thái tần ở tam giai đổi thành Diệu tần (妙嬪), Giai tần ở tứ giai đổi thành Lượng tần (諒嬪), và sau đó một tháng, tức tháng 1 năm Tự Đức thứ 15 (1862), Chiêu phi ở nhị giai đổi thành Mẫn phi (敏妃), Tĩnh tần ở ngũ giai đổi thành Hậu tần (厚嬪).

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), dụ tặng Tiệp dư tiên triều là Nguyên Khắc thị, sinh mẫu của Tùng Quốc công làm Thục tần (淑嬪), lấy tên thụy là Đoan Liệt (端烈). Nguyên trong năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bà được phong làm Thục tần rồi can đến án quyến thuộc trộm vàng mà bị cách, sau đó một năm mới được khởi phục chức Tiệp dư.

Năm Tự Đức thứ 23 (1870), tấn phong Trung phi Vũ thị làm Hoàng quý phi. Dụ rằng: “Trong chốn cung đình là nguồn gốc của phong hoá, không thể không có người giúp đỡ để cai quản kẻ thuộc hạ giữ được đạo đàn bà. Trung phi họ Vũ là con nhà danh vọng, kính được kén cho, người bé nhỏ rất có đức hạnh, được sự Hoàng thái hậu xét biết, thuận cho nên thăng chức, vậy tấn phong làm Hoàng quý phi, được Suất nhiếp lục viện (率攝六院)”. Đây là lần đầu tiên triều Nguyễn ra chỉ dụ sách phong cho một hậu phi làm Hoàng quý phi, lại còn trên danh nghĩa đứng đầu Lục viện. Khi ấy, Lượng tần Nguyễn Văn thị tấn thăng Khiêm phi (謙妃), sau đổi phong làm Học phi (學妃).

Năm Tự Đức thứ 26 (1873), chuẩn định lệ thụy hiệu của phi tần, trừ những người có đức vọng lâm thời sẽ nghị bàn việc đặt tên thụy, còn lại đều theo lệ sẵn:

  • Nhất giai phi lấy tên thụy là Huy Thuận (徽順).
  • Nhị giai phi lấy tên thụy là Ý Thuận (懿順).
  • Tam giai tần lấy tên thụy là Nhã Thuận (雅順).
  • Tứ giai tần lấy tên thụy là Nhàn Thuận (嫻順).
  • Ngũ giai tần lấy tên thụy là Lệ Thuận (麗順).
  • Lục giai Tiệp dư lấy tên thụy là Nhu Thuận (柔順).
  • Thất giai Quý nhân lấy tên thụy là Trang Thuận (莊順).
  • Bát giai Mỹ nhân lấy tên thụy là Cẩn Thuận (謹順).
  • Cửu giai Tài nhân lấy tên thụy là Thục Thuận (淑順).

Vãn kỳ

Tháng 8 năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), Cảnh Tông ban dụ: "Căn cứ theo tấu trình của Cơ Mật viện và Lễ bộ nói rằng nội chức cũng cần có người, nên xin xem xét ban phong để sáng tỏ quốc điển, vì vậy đành phải chuẩn y cho phép thi hành. Nay xét những cung tần gồm bốn người hầu hạ trong cung đã lâu ngày, nghiêm chỉnh tuân thủ phép tắc, truyền chuẩn y tấn phong cho Trần Đăng thị làm Quán phi (觀妃), Phan Văn thị làm Giai phi (偕妃), Hồ Văn thị làm Chính tần (政嬪), Lê Văn thị làm Nghi tần (宜嬪). Riêng Giai phi chuẩn cho làm Quyền nhiếp lục viện (權攝六院) để rồi sung chức. Lại chuẩn phong cho Mai Văn thị làm Tiệp dư, Nguyễn Văn thị làm Quý nhân, Nguyễn Hữu thị làm Mỹ nhân, Trịnh Văn thị làm Tài nhân và Mai thị làm Tài nhân vị nhập lưu. Những người trên cần phải kính cẩn thực thi nội chức để để giữ việc trong nội cung được nghiêm chỉnh. Người xưa nói rằng phải tề gia rồi mới trị quốc, đó là điều mà Trẫm mong mỏi vậy!"[4].

Tháng giêng năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), sách dụ tấn phong con gái của Nguyễn Hữu Độ là Nguyễn Hữu thị làm Hoàng quý phi và ban cho kim bài, khắc ngang chữ “Đồng Khánh sắc tứ” (同慶敕賜), khắc dọc các chữ “Kiêm nhiếp lục viện” (兼攝六院). Tháng 10, truy tặng Phủ thiếp quá cố là Nguyễn thị làm Nghĩa tần (義嬪).

Sau đó một năm, tức tháng 2 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Cảnh Tông xuống dụ truất các phi tần trong nội đình: "Quán phi Trần Đăng thị lời nói, cử chỉ thô tục, giáng làm Tùy tần (隨嬪), Chính tần Hồ Văn thị không chăm lo việc công, giáng làm Mỹ nhân, Nghi tần Lê thị tính dữ tợn, tham lam, đố kỵ, truyền phải xử nặng, giáng làm Tài nhân, bọn Tài nhân ở cửu giai là Trịnh thị, Nguyễn Hữu thị tính khinh nhờn đã thành thói khó dứt, đều giáng làm Cung nhân. Hoàng quý phi không biết tu thân, để nội đình bất thuận ý đức, cũng quở trách ngặt hơn". Cũng trong năm ấy, Giai phi Phan Văn thị nguyên sung chức Thượng trân, kiểm xét các thứ trân bảo thiếu sót, lại giả ốm trễ nải, giáng làm Mỹ nhân.

Đại Nam thực lục ghi lại, tháng 1 năm Thành Thái thứ 9 (1897), sách phong Mậu tần (懋嬪) Nguyễn Gia thị, con gái của Diên Lộc Bá làm Hoàng quý phi, đến tháng 6 cùng năm, sách phong con gái Vĩnh Lại Quận công mới tuyển là Nguyễn Hữu thị làm Nhất giai Huyền phi (一階玄妃). Tháng 11 năm Thành Thái thứ 12 (1900), tấn phong cung giai cho phi tần trong nội đình gồm 20 người.

Tháng 2 năm Duy Tân thứ 4 (1910), chuẩn cho sao hành trạng của Lễ tần (禮嬪) tiên triều Nguyễn Nhược thị chép vào liệt truyện. Bà phụng hầu dưới Dực Tông, trải thăng tới tứ giai sung Giáo tập tam cung lục viện, về sau thị hầu hai cung được thăng tam giai, trải hết gian lao, rất có danh vọng.

Năm Duy Tân thứ 10 (1916) xuống dụ: "Tuân theo ý chỉ của Lưỡng cung chuẩn thăng Mai Bá thị làm phi tần tam giai, bề tôi phủ Phụ chính tuân mệnh nghị bàn, Khâm sứ đại thần Charles chiểu lệ trong nội cung Thành Thái năm thứ 5, có ba vị, trong đó một vị phong làm Nhị giai phi. Nay xin tuân chiểu lệ trước, phong Mai Bá thị trong nội đình làm Nhị giai Diệu phi (二階妙妃) để trọng sự thể."